Hậu quả của việc không biết chữ Hán

‘Thơ tục’ về Dương Quý Phi ở nơi thờ Trần Nhân Tông

Bài thơ ca ngợi Dương Quý Phi với vẻ đẹp viên mãn và gợi dục sau một đêm được sủng ái xuất hiện tại chùa Vân Tiêu, Yên Tử – di tích gắn với Phật hoàng Trần Nhân Tông.

TS Trần Trọng Dương suýt nữa thì “ngất” trước những câu thơ của Lý Bạch trong bài Thanh Bình điệu, được chép trên một độc bình.

Ngất không phải vì thơ hay mà vì nó được đặt ở một nơi hoàn toàn không liên quan – tam bảo chùa Vân Tiêu, Yên Tử (Quảng Ninh). Trước đó nhiều năm, chùa Hỏa Tinh (Hà Nội) cũng có loại bình chép bài thơ này.

Theo TS Dương, Thanh Bình điệu là một trong những bài thơ tình nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học Trung Hoa và thế giới. Chính Đường Minh Hoàng đã lệnh cho Lý Bạch làm bài thơ ca ngợi Dương Quý Phi.

Bài thơ mô tả Dương Quý Phi với vẻ đẹp viên mãn và gợi dục như một đóa mẫu đơn ướt đẫm sương, sau một đêm được sủng ái. “Một áng văn chương sexy hết mực, đến nỗi nghìn đời sau còn nhớ đến”, TS Dương cho biết.

Bài thơ này sau đó được chép lên nhiều đồ gốm mỹ nghệ Giang Tây, như một sự quảng bá văn hóa Trung Hoa. Một trong những sản phẩm đó – chiếc độc bình đã được mua và cúng tiến vào tam bảo chùa Vân Tiêu (Yên Tử).

Trên bình, rành rành hai câu:

Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương
Vu sơn vân vũ uổng đoạn trường 

一枝紅艷露凝香,
雲雨巫山枉斷腸。

dịch nghĩa là: “Một nhành hồng thắm móc ngưng hương/Chuyện mây mưa ở Vu Sơn vốn đoạn trường”.

“Một bài thơ sex. Những câu thơ sex. Vu Sơn Vu Giáp là vị thần tình dục của Trung Hoa. Bây giờ chúng được đưa lên non thiêng Yên Tử thế này thì chết rồi. Đây là chính điện chùa Vân Tiêu – nơi Phật hoàng tu luyện. Cụ ngồi đỉnh Vân Tiêu, gửi chơi cánh diều. Cụ chơi diều chứ chơi gì những cái này”, TS Dương nói.

“Đã Vu Sơn hoặc là đã vân vũ thì chắc chắn là liên quan đến chuyện trai gái rồi. Chắn chắn để ở chùa không hợp rồi. Phải yêu cầu người quản lý ở đó đi học ngay chữ Hán”, một nhà nghiên cứu Hán Nôm nói.

“Một là nơi thờ Trần Nhân Tông sao lại ca ngợi Dương Quý Phi. Chưa kể, nếu về nghĩa thì không phù hợp với bối cảnh chùa chiền vì nó có nói chuyện ân ái. Nhanh và luôn là như thế”, một nhà nghiên cứu Hán Nôm khác nói.

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, cho biết: “Số lọ xuất hiện rất nhiều. Chúng tôi đi thanh tra có di tích có đến hai chục cái lọ như thế. Chúng đều do người dân cúng tiến. Không phải lọ nào cũng có chữ, nhưng nếu có chữ nhiều khi người cúng tiến cũng không biết chữ đó nghĩa là gì”.

Về trường hợp này, ông Trần Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản, khẳng định Cục sẽ xem xét xem cụ thể chiếc bình này đã được đưa vào di tích từ bao giờ.

“Nếu đưa vào trong thời gian gần đây thì chắc chắn là trái luật rồi. Nó chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý văn hóa vì nếu là di tích quốc gia thì phải có ý kiến của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, có những trường hợp hiện vật lạ đã được đưa vào di tích trước khi xếp hạng, mà nhà quản lý lại không đủ điều kiện để thẩm định, rà soát.

“Trước năm 2001, hồ sơ mang tính pháp lý là chính. Để có căn cứ pháp lý bảo vệ di tích của mình. Chứ còn từ 2001 có luật Di sản thì có yêu cầu kiểm kê di tích. Trong quá trình đó sẽ loại bỏ yếu tố không phù hợp với di tích được đưa vào trước khi xếp hạng”.

Tuy nhiên với trường hợp cụ thể này, chiếc bình sứ Giang Tây với những câu thơ Lý Bạch thật khó có thể là yếu tố gốc của di tích.

“Nếu xuống thanh tra thì hoàn toàn có thể yêu cầu bỏ ra được. Nhất là những gì gây phản cảm cho di tích”, ông Trần Thành nói.

Theo nhiều nhà nghiên cứu Hán Nôm, tình trạng “loạn chữ” trong các di tích rất đáng báo động. Việc viết sai, viết nhầm rồi đặt nhầm chỗ như hai câu thơ Lý Bạch trên không khó tìm./ (Thực ra trên chiếc độc bình đó, ghi đủ 4 câu trong Bài Thanh Bình Điệu.)

一枝紅艷儸凝香
雲雨于山枉斷腸
借問漢宮誰得似
可憐飛燕依新妝

“Phải rà soát lại các di tích, tránh tình trạng cứ thấy chữ Hán là cho bừa vào di tích. Người cung tiến không đọc được, nhưng nhà quản lý thì phải có cách nào để hiểu được và thấy nó không phù hợp chứ”, một nhà nghiên cứu Hán Nôm cho biết.


Nói thêm về bài thơ Thanh Bình Điệu của Lý Bạch李白 LÝ BẠCH (701 – 762)

清平調
雲想衣裳花想容
春風拂檻露花濃
若非群玉山頭見
會向瑤臺月下逢

一枝紅艷儸凝香
雲雨于山枉斷腸
借問漢宮誰得似
可憐飛燕依新妝

名花傾國兩相歡
長得君王帶笑看
解釋春風無限很
沉香亭北依欄杆
李白

Phiên âm:

THANH BÌNH ĐIỆU
Vân tưởng y thường hoa tưởng dung
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng
Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến
Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng

Nhất chi hồng diệm lộ ngưng hương
Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường
Tá vấn Hán cung thùy đắc tự
Khả liên Phi Yến ỷ tân trang

Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoa
Trường đắc quân vương đới tiếu khan
Giải thích xuân phong vô hạn hận
Trầm hương đình bắc ỷ lan can
LÝ BẠCH

Người dịch: Trần Trọng San

Mặt tưởng là hoa, áo ngỡ mây,
Hiên sương phơ phất gió xuân bay.
Nếu không gặp gỡ trên Quần Ngọc,
Dưới nguyệt Dao Đài sẽ gặp ai.

Một nhánh hồng tươi, móc đọng sương,
Mây mưa Vu giúp uổng sầu thương.
Hỏi nơi cung Hán ai người giống ?
Phi Yến còn nhờ mới điểm trang.

Hoa trời, sắc nước thảy đều vui,
Luôn được vua trông với nụ cười.
Mối hận gió xuân bay thoảng hết,
Bên đình, thơ thẩn tựa hiên chơi.

Năm 743, năm Khai Nguyên, Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi ở đình Trầm Hương ngắm hoa mẫu đơn, lệnh cho Lý Bạch làm ba bài “Thanh bình điệu” này. Trong ba bài này, Lý Bạch có ví Dương Quý Phi với hoa mẫu đơn.

Tác dụng tuyệt vời của hoa mẫu đơn

http://www.saigonreals.com/
Chủ nhật, 07 Tháng 10 2012 14:10

Mẫu đơn là loài hoa vương giả sang trọng ở Trung Quốc biểu tượng cho sự giàu có, thịnh vượng, sắc đẹp. Ở Nhật Bản, mẫu đơn tượng trưng cho cuộc hôn nhân hạnh phúc với nhiều con cháu. Trong ngôn ngữ loài hoa phương Tây, nhờ những đặc tính y học tuyệt vời, mẫu đơn còn được xem như một loại dược thảo chữa bệnh và mang ý nghĩa “sự e lệ”. Mẫu đơn có nguồn gốc từ Trung Quốc và Tây Tạng, là một trong những cây hoa được con người biết đến từ rất sớm, cách đây đã gần 4000 năm.

Những thông tin thú vị về hoa mẫu đơn

Khi những nhà truyền giáo đạo Phật đến Nhật Bản, họ đã đem theo kiến thức về những bông hoa mẫu đơn. Người Nhật luôn là một dân tộc yêu hoa, nên bông hoa đẹp mới đến nhanh chóng trở thành một phần trong văn hóa của họ. mẫu đơn là bông hoa của tháng 6 ở Nhật Bản. Từ Trung Hoa và Nhật Bản, nó chu du sang tận đỉnh núi Olympus, tìm cho mình một cái tên.

Tên tiếng Việt : Hoa mẫu đơn
Tên Trung Quốc : Sho-Yo (hay Shao-Yao)
Tên tiếng Anh : Peony
Tên tiếng Pháp : Pivoine officinale
Tên Latin : Paeonia officinalis
Tên khoa học : Paeonia lactiflora
Họ : Paeoniaceae

Peony được đặt tên theo Paeon, một thầy thuốc học trò của Thần Y Asclepius trong thần thoại Hy Lạp.Ông được nữ thần Leto (mẹ của thần Mặt Trời Apollo) mách bảo cách lấy được chiếc rễ thần kỳ mọc trên đỉnh Olympus mà nó có thể xoa dịu được cơn đau của người phụ nữ khi sanh nở. Asclepius trở nên ghen tức với Paeon. Để cứu Paeon thoát chết vì sự phẫn nộ của Asclepius, thần Zeus đã biến ông thành một bông hoa mẫu đơn. Ngày nay, mẫu đơn là biểu tượng của sự thịnh vượng, phồn vinh.Từ xa xưa, loài hoa vương giả này chỉ thuộc sở hữu của giới quý tộc giàu có ở Trung Quốc. Bông hoa quốc sắc thiên hương này từng rất được ưu ái qua nhiều triều đại, với mệnh danh “Chúa của muôn hoa”. Nhất là giai đoạn từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 13 sau Công Nguyên. Mẫu đơn được ca tụng trong văn thơ, nhạc và tranh vẽ lúc bấy giờ.

Thành phố Lạc Dương (tiếng La Tinh là Luoyang, 1 trong 4 thành phố cổ kính nhất Trung Quốc), nổi tiếng về nhiều chủng loại mẫu đơn phong phú, rực rỡ sắc màu nhờ thời tiết ôn hòa và đất đai thích hợp. Ngày 21.9.1982, người dân Luoyang chính thức chọn mẫu đơn là biểu tượng hoa của thành phố mình.

Tháng 4 là tháng của hoa mẫu đơn, thật sự là mùa vui cho những người yêu hoa ở xứ sở này. Hoa mẫu đơn nở đẹp lộng lẫy, hương thơm, sắc màu hoa hiện diện khắp nơi trong thành phố. Và lễ hội mẫu đơn Louyang – Luoyang Peony Festival được tổ chức từ 15.4 đến 25.4 hằng năm là một lễ hội văn hóa lớn, niềm tự hào của cư dân Luoyang.

Suốt mùa lễ hội tưng bừng những đèn lồng sặc sỡ, các hoạt động kinh tế cũng khá nhộn nhịp, không khí vui tươi và gây một ấn tượng sâu sắc cho tất cả các du khách trên khắp thế giới đến chơi. Ở Luoyang có những loài mẫu đơn quý hiếm, màu sắc thay đổi lạ, hay cả những bông hoa lớn đến hàng trăm cánh, sống đã hàng trăm tuổi.


Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến những khả năng kỳ diệu lạ thường của cây hoa mà người ta đã lưu truyền trong dân gian. Dược tính của mẫu đơn chủ yếu ở rễ và hạt. Rễ cây có tính kháng sinh, giúp giảm đau, trị bỏng, làm giảm huyết áp, giúp trẻ mọc răng, chữa bệnh vàng da, dị ứng, thận…Hạt hoa từng được xem như một loại gia vị thông dụng.Những tập tục mê tín còn tin rằng nếu đeo một vòng cổ kết bằng hạt mẫu đơn, bạn sẽ tránh được các bệnh như hủi, động kinh, mất trí và nó còn xua tan những cơn ác mộng, như một lá bùa hộ mạng bảo vệ người ta chống lại ma quỷ hay những thế lực của bóng đêm.Khoảng năm 77 sau Công Nguyên, trong cuốn sách Pliny’’s Natural History đã mô tả chi tiết về cây hoa và 20 bệnh chữa bằng những bộ phận của nó. Không lâu sau đó, Dioscoride cũng đã viết một luận án về những cây thảo dược, trong đó có Peony. Vì là một cây thuốc quan trọng, dược liệu mẫu đơn được sản xuất với lượng lớn hằng năm nhằm đáp ứng nhu cầu ở Trung Quốc và thể giới.

Hoa mẫu đơn – Peony còn là biểu tượng hoa của tiểu bang Indiana – Hoa Kỳ từ ngày 13.3.1957.

Tác dụng của hoa mẫu đơn trong phong thủy

Với vẻ đẹp của hoa mẫu đơn, người đời ví đây là biểu tượng của phú quý, trong các dịp khai trương, người ta hay tặng nhau tượng hoặc tranh mẫu đơn để chúc nhau ngày càng phú quý, giàu sang…

Hoa mẫu đơn được mệnh danh là bà chúa của các loài hoa. Loài hoa này thể hiện vẻ đẹp sang trọng, quý phái, sức hấp dẫn nồng nàn, cảm xúc của sức trẻ toát ra mạnh mẽ. Tinh hoa nó toát ra đem lại vẻ đẹp, sức quyến rũ và may mắn trong tình yêu. Đặt tượng hoặc tranh hoa mẫu đơn tại cung tình duyên (Tây-Nam) trong phòng ngủ là một việc rất đáng làm!

Do đó, trong các thế giới của vật phẩm phong thủy, hoa mẫu đơn được gọi là vật phẩm cho phú quý, tình duyên.

Saigonreals.com
Theo Xzone

22 responses to “Hậu quả của việc không biết chữ Hán

  1. Em chào Thầy!
    Dạo này Thầy có khoẻ không Thầy?

  2. Không biết chữ thì đúng là khổ thật nhưng “biết” chữ mà “lười” có khi còn khổ hơn (nếu có người biết). Câu trích này hình như không đúng với nguyên tác: “Vu sơn vân vũ uổng đoạn trường” mà phải là thế này chứ: Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường.

    • Cám ơn nhận xét tinh tế của bạn. Bài viết tôi giới thiệu lại (copy và dán qua có chú thích thêm phần chữ Hán) của Báo Thanh Niên và sau khi đọc comment này, công nhận tác giả bài báo đã viết sai câu, có thể đối sánh với câu chữ Hán mà tôi chú thích bên cạnh.

      Dùng comment này để lưu ý người đọc, còn bài viết trên báo Thanh Niên thì đã xuất bản rồi. Đính chính là của báo.

      Rất cám ơn bạn đã quan tâm và góp ý.

  3. Thưa chú, việc biết hay ko biết chữ Hán ko quan trọng, quan trọng là cách làm , cách quản lý như thế nào.

    • Cám ơn comment của cháu. Đúng là việc biết hay ko biết chữ Hán ko quan trọng, quan trọng là cách làm , cách quản lý như thế nào.
      Tuy nhiên theo chú nghĩ, học sinh chuyên văn THPT nên biết chữ Hán, giống như thời chú đi học THPT (1972-1975), học sinh Ban C (Sinh ngữ)thì giỏi Anh Văn (cực giỏi luôn) còn học sinh Ban D thì giỏi Cổ Ngữ (chữ Hán hoặc chữ Latin). Một số học sinh giỏi tiếng Latin có thể vào các chủng viện để học thành Linh Mục.

      Hồi đó, hầu hết các thầy cô dạy Văn đều biết chữ Hán, nhiều người viết rất đẹp, để dạy và giảng giải thơ Đường.

      Ngày nay, theo chú nghĩ, các nhà quản lý, nhất là ở các danh thắng có lưu bút chữ Hán, họ phải biết để khi cần giảng giải cho thế hệ trẻ và để tránh không xảy ra những chuyện không hay do không biết chữ Hán. Trong thời gian tu học, các tu sinh Phật giáo đều học và phải học giỏi chữ Hán. Nhiều tu sinh còn sang Đài Loan tu học Phật Giáo. Vì vậy kiến thức của họ uyên bác.

      Chuyện kể rằng, Cao Bá Quát có cho chữ câu đối cho một nhà khá giả treo đón xuân.

      Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ / Trời thêm năm tháng, người thêm thọ
      Xuân mãn càn khôn, phước mãn đường / Xuân đầy trời đất Phước đầy nhà.

      Rất hay, đem treo ở trước nhà. Có người nói: Câu đối này xúi quẩy vì thọ đường là cái quan tài. (Ngày xưa nhà giàu hay đặt trong nhà cái Thọ đường cho các vị cao niên.)

      Nghe nói vậy, chủ nhà vội vã thu hồi câu đối.

      Sau này ít thấy câu đối này xuất hiện. Có chăng viết trại thành:

      Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ
      Xuân mãn càn khôn, phước mãn MÔN

      Việc biết thêm chữ Hán không mất nhiều công phu lắm. Học sinh Nhật Bản học xong THPT vẫn không học hết chữ Nhật, khác với nước ta học hết lớp 5 là biết đọc biết viết. Học sinh Nhật Bản tốt nghiệp xong vào đại học học thêm chữ Kanji (Hán tự). Lúc đó họ mới hoàn thành việc học chữ.

      Biết chữ Hán cũng giúp ta phong phú thêm ngôn ngữ, ta mới biết chữ SAMSUNG là chữ Hán, tam tinh là ba ngôi sao. v.v…

      Rất vui khi thấy cháu quan tâm.

      • Em thấy việc biết chữ Hán rất là quan trọng. Năm nay em có dịp đi mua đồ nhiều chuẩn bị cho Tết.
        Người Việt mình có phong tục thờ cúng.
        Khi đi mua đồ, em chợt nhận ra trên mỗi thứ đều viết chữ Hán nên mua những món đồ mà em chẳng biết ý nghĩa nó là gì.
        Lúc ấy em rất nhớ về bài viết của Thầy trên blog này. Em ước phải chi mình biết chút ít để hiểu trên đó người ta viết gì ヽ(`Д´)ノ

  4. Ông Vủ Khiêu viết một một vế đối tặng hoa hậu kỳ duyên đó!ghê thật!

    • Ông Vũ Khiêu đang bị cư mạng chê là đạo thơ Lý Bạch. Hoa hậu Kỳ Duyên bị vận rủi vì bị chê là đẹp gợi dục mà đầu óc rỗng tuếch. Tội nghiệp. Chắc gì cô ấy không thông minh mà bị chê như vậy là oan uổng.

  5. Nhân khi bàn đến câu thơ “Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường” có nói về việc: nhắc đến Vu Sơn Vu Giáp là ám chỉ việc mây mưa, “Đã Vu Sơn hoặc là đã vân vũ thì chắc chắn là liên quan đến chuyện trai gái rồi.”, “Vu Sơn Vu Giáp là vị thần tình dục của Trung Hoa.” làm cháu nhớ đến câu thơ này trong bài “Thu hứng” của Đỗ Phủ ngày trước có được học khi còn ở nhà trường phổ thông (vì lâu rồi nên k còn nhớ lớp mấy nữa): “Vu sơn Vu giáp khí tiêu sâm”, nhưng chưa được giảng giải kĩ về tích này, nay đọc được bài viết có bàn tới ý tương tự, cháu mong được nghe những kiến giải của chú về cách hiểu câu thơ này trong bài “Thu hứng” và việc đưa bài thơ vào giảng dạy học sinh như thế nào cho hợp lý được không ạ?
    Cháu chân thành cảm ơn ạ.

    • Thứ nhất, thầy dạy Toán không dạy văn nên không giúp em được.
      Thứ hai, nhắc đến Vu Sơn Vu Giáp là ám chỉ việc mây mưa, “Đã Vu Sơn hoặc là đã vân vũ thì chắc chắn là liên quan đến chuyện trai gái rồi.”, “Vu Sơn Vu Giáp là vị thần tình dục của Trung Hoa.” là ý kiến của người mà tác giả bài báo nhắc tới, không phải ý kiến của Thầy.

      Về Vu Sơn và Vu Giáp ở đất Cao đường, bên cạnh đầm Vân Mộng có ngọn Vu Sơn của dãy núi Vu Giáp thuộc tỉnh Hồ Bắc ở Trung Hoa.

      Trong bài thơ của Lý Bạch thì nói về chuyện trai gái: Ðời Xuân Thu (772- 480 trước DL) vua Sở Tương vương thường đến du ngoạn. Một hôm nhà vua đến đấy, say sưa ngắm cảnh, một lúc mệt mỏi nằm ngủ dưới chân núi Vu Sơn.

      Trong lúc say ngủ, Vua Sở Công thấy một thiếu nữ tuyệt sắc, tha thướt đến bên mình, rồi cùng vua chung chăn chung gối. Sau khi cùng giai nhân thoả tình ân ái, nhà vua hỏi:
      – Chẳng hay ái khanh ở đâu đến đây để quả nhân duyên may gặp gỡ?
      Nàng mỉm miệng cười duyên, thưa:
      – Thiếp là thần nữ núi Vu Sơn, qua chơi đất Cao Ðường, vốn cùng nhà vua có tiền duyên, nay được gặp gỡ thật thoả lòng mong ước. Thiếp có nhiệm vụ buổi mai làm mây, chiều làm mưa ở Dương Ðài.

      Nhưng trong bài thơ của Đỗ Phủ, theo thầy nghĩ lại nói về núi Vu Sơn và Vu Giáp (là nơi núi Vu Sơn thè vào trong nước), không nói về việc trai gái. Đọc thêm đoạn trích:

      Câu thứ hai: Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm. Nhắc, đến Vu sơn, Vu giáp là người đọc nghĩ ngay tới hình ảnh đặc trưng của đất Ba Thục xưa kia. Toàn cảnh bao trùm trong hơi thu hiu hắt. Trong bản dịch, từ lòa cùng với từ hiu hắt chỉ lột tả được một phần ý nghĩa của cụm từ khi tiêu sâm (tối tăm, ảm đạm). Chữ ngàn non thay thế cho Vu sơn, Vu giáp khiến bản dịch dễ hiểu song lại làm mờ nhạt bản sắc của phong cảnh Quý Châu. Vu sơn, Vu giáp tức là núi Vu, hẻm Vu nổi tiếng hiểm trở và hùng vĩ. Được nhắc đến nhiều trong thần thoại, cổ tích và thơ ca Trung Quốc. Suốt cả chiều dài bảy trăm dặm, núi tiếp núi dọc đôi bờ sông, tuyệt không có một chỗ trống. Quanh năm, mây mù bao phủ những ngọn núi cao vút. Vách núi dựng đứng nên ánh mặt trời khó lọt được xuống tới lòng sông. Vào mùa thu, khung cảnh nơi đây vốn ảm đạm, lạnh lẽo, qua ngòi bút miêu tả thấm đẫm tâm trạng li sầu của Đỗ Phủ lại càng thêm tối tăm, ảm đạm.

      trích: http://tailieuvan.com/phan-tich-bai-tho-cam-xuc-mua-thu-thu-hung-cua-do-phu/

      Vu giáp 巫峽. (chỗ mõm núi thè vào trong nước gọi là giáp.)

  6. Vâng, do cháu chưa xem kĩ nguồn bài viết, cảm ơn trao đổi của chú.

  7. Lại nói chuyện về hoa mẫu đơn.
    Tôi đã thấy bức tranh vẽ giàn hoa mẫu đơn của một họa sỹ Trung quốc , trên đó có bài thơ như sau
    牡丹花
    何人不爱牡丹花
    占段城中好物华
    疑是浴川神女作
    千娇万态破朝霞
    壬午年艇仔题
    MẪU ĐƠN HOA
    Hà nhân bất ái mẫu đơn hoa
    Chiếm đoạn thành trung hảo vật hoa
    Nghi thị dục xuyên thần nữ tác
    Thiên kiêu vạn thái phá triêu hà
    Nhâm ngọ niên Đình Tử đề
    Tôi tạm dịch:
    Mẫu đơn hoa đẹp nhất thành trung
    Trông thấy ai ai chẳng động lòng
    Chẳng khác tiên cô đùa trên sóng
    Muôn hồng ngàn tía át vừng đông
    Đình Tử- năm nhâm ngọ

    • Cám ơn anh đã quan tâm tới loạt thảo luận này. Và cũng cám ơn đã giới thiệu bài thơ cùng bản dịch để mọi người cùng tham khảo.

      Tôi đề nghị dùng “muôn hồng nghìn tía” và chữ Hán xin đề nghị chuyển sang phồn thể cho quen với người việt mình.

      何人不愛牡丹花
      占段城中好物華
      疑是浴川神女作
      千嬌萬態破朝霞

      壬午年艇仔題

      PS. Tôi dùng Từ điển Thiều Chửu để chuyển.

      Tác giả bài thơ 赏牡丹 (thưởng mẫu đơn) là Từ Ngưng 徐凝: (xem Thi Viện)
      Từ Ngưng 徐凝, thi nhân Mục Châu (nay thuộc Kiến Đức, Chiết Giang) đời Đường, không rõ năm sinh và mất, ước sống khoảng năm Nguyên Hoà đời vua Hiến Tông. Ông từng có giao thiệp với Hàn Dũ, Bạch Cư Dị, Nguyên Chẩn.

  8. Hoa mẫu đơn và Lá diêu bông

    Tìm hiểu về xuất xứ lá diêu bông trong thơ Hoàng Cầm, tôi thấy có liên quan đến hoa mẫu đơn. Nhà thơ Hoàng Cầm khi còn nhỏ có yêu một người con gái lớn tuổi hơn mình hơn 10 tuổi. Có thể vì chê nhà thơ còn nhỏ tuổi , người con gái nọ mới ra điều kiện bao giờ tìm được lá diêu bông mới chịu nhận làm chồng. Nhà thơ đã bỏ thời gian dài tìm kiếm mà cũng không tìm thấy lá diêu bông. Đây cũng có thể coi là thiên tình sử của nhà thơ Hoàng Cầm. Thực tế không có lá diêu bông nào cả, Người phụ nữ lấy tích trong chinh phụ ngâm: “cành diêu, đóa ngụy” để thách đố nhà thơ mà thôi. Trong chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn có đoạn:
    良時節姚黃魏紫嫁東風
    良時節織女牛郎會明月
    Lương thời tiết Diêu Hoàng Ngụy Tử giá đông phong
    Lương thời tiết Chức nữ Ngưu Lang hội minh nguyệt
    Trong bản dịch cho là của Nữ thi sỹ Đoàn Thị Điểm:
    “Sẩy nhớ khi cành Diêu đóa Ngụy
    Trước gió đông vàng tía sánh nhau”
    Ngày xưa , có hai nhà họ Diêu và họ Ngụy chuyên trồng hoa mẫu đơn nổi tiếng. Diêu Sùng trồng hoa mẫu đơn vàng (hoàng), Ngụy Nhân Phổ trồng hoa mẫu đơn tím (tử). Khi mùa xuân đến ( gió đông) các hoa mẫu đơn đều nở rộ. Vì vậy cành Diêu không phải là cây Diêu, tức là không có lá diêu bông, người con gái chẳng khác gì muốn nói “bao giờ chạch đẻ ngọn đa, sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình”.

  9. Đọc bài viết của báo Thanh niên số ra ngày 26 tháng 11 năm 2014 (do bạn trên mạng xã hội cung cấp), nghe mô tả TS. Trần Trọng Dương suýt ngất khi đọc và lý giải một bài thơ (nhạc phủ) của Lý Bạch ghi trên một cái lọ độc bình tặng chùa Vân tiêu – Yên tử – Quảng ninh, tôi thấy cũng hơi lạ về cách lý giải và cách đặt vấn đề cho cái sự “ngất” của ngài TS này.

    Thứ nhất xem kỹ lại thì bài nhạc phủ chép trên cái bình sứ này đã bị chép sai hai từ cuối của câu ba. Thứ tự đúng là :” Tá vấn Hán cung thùy đắc tự” còn trên cái bình sứ thì lại chép là” Tá vấn Hán cung thùy tự đắc” .

    Kế đến ta phải mổ xẻ cái câu ba tạo nên cái sự ngất của ngài TS xe Lý Bạch đã viết gì và dụng ý ra sao. Về mấy chữ :” Vân vũ Vu sơn” thì quả nhiên là nói đến sự tích Sở vương du ngoạn núi Vu, nghỉ lại bên núi, ngủ thiếp đi mộng thấy gặp gỡ và ân ái với một cô gái tuyệt thế giai nhân. Hỏi ra thì nàng đáp rằng nàng là nữ thần núi Vu, phụ trách việc làm mây mưa ở núi này. (Có thể phỏng đoán ông vua nước Sở này đã mắc chứng di mộng tinh). Nhà vua tỉnh lại thấy tiếc giấc mộng đẹp, cố ngủ lại để mong gặp lại nàng, nhưng không sao gặp lại được nữa. (Làm sao mà gặp lại được khi nhà vua đã ….ra rồi !).

    Trong thư tịch Trung quốc, tôi chưa tìm thấy ở đâu nói Vu sơn Vu giáp là vị thần tình dục của Trung hoa cả – Có lẽ họ nhầm chăng? Thần tình dục của Trung hoa là Trung Nam Hải thì mới phải !!!). Vậy thì ai đứt ruột trong câu thơ của Lý Bạch? Thì vua Sở chứ ai. Đứt ruột vì tiếc giấc mơ đẹp, vì sự ân ái của nhà vua với trang tuyệt sắc giai nhân chỉ xảy ra trong mộng mà thôi. Sao lại UỔNG ? Thì là vì đứt ruột vì tiếc sự ân ái với người đẹp trong mộng (thật viển vông!).

    Không thể phán một cách xanh rờn là “Đã Vu Sơn hoặc là đã vân vũ thì chắc chắn là liên quan đến chuyện trai gái rồi! “ như tác giả bài báo đã viết. Mà cần thấy rõ Lý Bạch muốn nói rằng anh chàng Sở vương gặp gỡ, ân ái với nữ thần núi Vu rồi tiếc đứt ruột thì chỉ là sự đứt ruột uổng phí mà thôi vì đó chỉ là người đẹp trong giấc mơ. Còn Đường Huyền Tông thì không phải như vậy. Dương quý phi xinh đẹp nghiêng nước nghiêng thành đang là người thực, việc thực bên cạnh nhà vua (mắc mớ gì mà phải đoạn trường như anh chàng Sở vương kia chứ ! Thế thì làm gì có chuyện thơ của Lý Bạch “mô tả Dương Quý Phi với vẻ đẹp viên mãn và gợi dục như một đóa mẫu đơn ướt đẫm sương, sau một đêm được sủng ái” ! Đúng là cách lý giải đầy chủ quan (và giật gân) để câu khách.

    Thật đáng tiếc. Rất mong được các bậc túc Nho lý gải, bình luận thêm.

    PS. Cám ơn nhận xét của anh Chu Thanh Sơn. Tôi tạm ngắt xuống dòng cho dễ đọc. Bản thân tôi (Nguyễn Thái Sơn) cũng muốn tìm hiểu thêm về chữ Hán nên mới đăng lại bào báo này. Trong thời gian qua có rất nhiều ý kiến của các vị am hiểu Hán ngữ. Tôi tin rằng từ nhiều ý kiến khác nhau (thậm chí trái chiều) ta có thể hiểu thêm nội dung này tường minh hơn. Đa tạ.

    • Nhân vì anh Chu Thanh Sơn phát hiện trên độc bình viết sai chữ:”Tá vấn Hán cung thùy đắc tự” còn trên cái bình sứ thì lại chép là” Tá vấn Hán cung thùy tự đắc” tôi mới đọc lại trên độc bình và thấy họ còn viết sai: “Vu sơn vân vũ uổng đoạn trường” vì đúng ra phải là: “Vân vũ vu sơn uổng đoạn trường” như trong bản nguyên văn chữ Hán tôi copy lại và dán ở trên.

      Thực ra người làm ra chiếc bình gốm này cũng đã quá cẩu thả, chỉ có 4 câu thơ mà viết sai đến hai lần. Thôi thì ta chẳng nên nói gì thêm về chiếc bình nữa, nhưng những vấn đề liên quan đến bài thơ của Lý Bạch, nếu các bạn có ý kiến giải thích thêm chúng tôi cũng mong các bạn viết vào đây để nhiều người cùng trao đổi.

Bình luận về bài viết này