Gọi em – Nguyên Sa

tặng Nguyễn Công Tâm.

Nguyễn Công Tâm học cùng với tôi ở Khoa Toán ĐHSP TP HCM cuối những năm 1970. Ngoài việc học giỏi Toán anh còn yêu thích thơ ca và giỏi làm thơ. Hồi đó tôi làm lớp trưởng, Đặng Thị Dung làm lớp phó. Trong lớp còn có Trần Đức Huyên và nhiều người bạn học giỏi khác, nhưng rồi các bạn sẽ thấy bài này chỉ nói về mấy người kể trên.

Tôi khá là nhỏ tuổi so với ba người bạn đồng học của mình: Đặng Thị Dung, Nguyễn Công Tâm và Trần Đức Huyên. Vì vậy tuy bằng vai phải lứa trong lớp học, tôi vẫn cảm giác như mình là lứa đàn em của họ. Vào giờ ra chơi, chúng tôi tụm năm tụm ba nói chuyện. Đặng Thị Dung bỗng đi ngang vội qua chúng tôi, tà áo trắng phất phơ làm rụng tim những chàng trai đang đứng tán gẫu. Hình như giữa những người trong số chúng tôi đã xảy ra chuyện gì đó, nên đột nhiên Nguyễn Công Tâm thốt lên  rằng:

– Từ nay ta đã có người…

Cũng khó mà biết chuyện gì đã xảy ra trong chúng tôi. Nhưng tôi thấy Nguyễn Công Tâm bỗng thay đổi nhiều. Anh có  vẻ yêu đời hơn, hay hát hơn và lại còn làm thơ nữa. Trần Đức Huyên gặp tôi chỉ nói toàn chuyện học hành, còn Nguyễn Công Tâm gặp tôi nói toàn chuyện tình cảm. Anh hỏi thăm gia đình tôi, hỏi bệnh tình của ba tôi và như một người anh (Tâm lớn hơn tôi 3 tuổi), Tâm cho tôi nhiều lời khuyên về việc học hành, về việc chuẩn bị cho tương lai và về mọi thứ để có một tương lai vững bền.

Có một lần do cao hứng thế nào đó mà anh đọc bài thơ dưới đây của Nguyên Sa. Trước đây tôi không biết bài thơ này, nhưng tôi yêu thích âm điệu và giai điệu của bài thơ. Khi nghe anh đọc, tôi cảm giác như  anh đang yêu và chắc cũng được yêu.

Một buổi sáng tỉnh dậy không thấy em tôi chạy ra cửa sổ gọi tên em rất to. Những tiếng kêu thất thanh vang trên hè phố. Tôi nghĩ thầm: nếu còn làm vua ở một triều đình thịnh trị thời xưa tôi sẽ không ngại ngần mặc mũ áo cân đai đứng giữa cửa thành bắc loa mời em về làm hoàng hậu.

Tôi bảo rằng: em phải về ngay. Nếu em là gió tôi sẽ làm trăng. Em là trăng tôi sẽ là mây. Nếu em là mây, tôi sẽ làm gió thổi. Còn nếu em là chân trời xa tôi sẽ làm cánh chim bằng rong ruổi. Em là mặt trời thì ở trên đường xích đạo tôi sẽ muôn đời làm một kiếp hướng dương.

Tôi bảo rằng : em phải về ngay. Nếu e ngại tâm hồn còn bé dại, tôi sẽ hoá thân làm một cậu bé học trò không bao giờ thuộc bài vì mải mê đọc tên người yêu từ sáng đến chiều, từ đêm đến sáng.

Thiên hạ sẽ thái bình. Ðời sẽ trải chiếu hoa cho trăm vạn hùng binh ngồi đánh cờ chiếu tướng. Ðời sẽ thiết lập những kỳ thi có đủ phép tắc trường quy. Tôi được tước phong chủ tịch hội đồng kiêm giám khảo và bao nhiêu người ứng thí đều trúng tuyển hạng ưu.

Tôi không còn nằm mơ ngồi câu cá bên bờ sông Ngân nước trong vời vợi suốt cả tháng bảy trời mưa và linh hồn tôi chết đuối. Tôi cũng không còn phải âm mưu làm một cuộc cách mạng dài vô hạn để nhuộm màu cờ vũ trụ bằng màu tóc em. Còn bao nhiêu đại lộ, công trường tôi không phải hạ hết biển đề tên phố mà viết lên: hỡi người yêu, tôi chờ đợi !

Tôi cũng không phải hỏi rừng, để rừng bảo hỏi cây. Cây khuyên hỏi lá. Lá bảo hỏi chim muông. Tôi nhìn quanh tôi những cánh quạ đen cười giễu cợt. Tôi không phải ước ao lên sơn lâm là một loài thảo khấu, cướp của khách vãng lai những bức thư tình đem lên núi cao đọc to cho giun dế nghe để chia nỗi niềm cô độc.

Tôi cũng không phải bỏ trốn – như sáng hôm nay – ra giữa trùng dương để làm một gã thủy thủ già lái tầu theo kim chỉ nam mà chỉ thấy toàn rượu ngọt.

Không nhớ là lúc nào, nhưng trong một lễ hội nào đó trong trường, chúng tôi ngồi quây quần bên bếp lửa. Tôi, Nguyễn Công Tâm và Hoàng Văn Trung ngồi gần nhau.

Như các bạn biết tôi đậu đại học năm 17 tuổi (học sớm một năm) và làm lớp trưởng, tất cả mọi người còn lại đều ít nhất qua hai lần thi, lần thi trước năm 1975 và lần thi năm 1976 nên đều lớn hơn tôi ít nhất ba tuổi. Tuy vậy chúng tôi chơi với nhau không phân biệt tuổi tác. Chẳng hạn có một lần Đặng Thị Dung mời chúng tôi có cả Tâm, cả Huyên đến nhà chơi, căn nhà nhỏ bên trong hẽm đường Trương Quốc Dung, Quận Phú Nhuận.

Trở lại buổi tối hôm đó, mọi người thức rất khuya. Ngẫu hứng thế nào, Hoàng văn Trung và Nguyễn Công Tâm đem thơ ra đọc. Đó là một bản trường ca, không biết do các anh sáng tác hay chép ở đâu ra nữa. Nhưng cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thấy ai khác nhận mình  là tác giả của bài trường ca này. Trường ca kể về một mối tình như bao mối tình khác: yêu đương, chờ đợi và …tan vỡ. Sau gần 40 năm tôi chỉ còn nhớ có hai câu:

Mai sau em có qua cầu
cho tôi gửi lại nửa câu ân tình.

Rồi chuyện gì phải đến đã đến. Chúng tôi tốt nghiệp đại học. Tôi may mắn đựoc ở lại trường, mọi người vỡ tan tứ xứ. Trần Đức Huyên về dạy Trường Nguyễn Hữu Cầu, Hốc Môn. Nhưng do đã từng học quá giỏi ở ĐHSP, Huyên được thầy Trần Dự (giáo viên kỳ cựu của Trường Lê Hồng Phong) mời  về dạy học tại Lê Hồng Phong cho đến nay. Sau đó Trần Đức Huyên lập gia đình với Dung. Còn tôi ra Hà Nội học Cao học.

Nguyễn Công Tâm không biết đi đâu. Anh không được phân công ở TP Hồ Chí Minh, lưu lạc ở đâu đó một thời gian rồi về Sài gòn dạy học. Dạy đủ loại hệ đào tạo. Đã từng học quá xuất sắc ở ĐHSP không kém Trần Đức Huyên nhưng anh có vẻ không có gì ràng buộc và quả thật không có gì ràng buộc được anh. Mãi đến bây giờ anh vẫn chưa lập gia đình và cũng chưa chắc có nhà theo những gì anh nói với tôi trong một lần vô tình gặp nhau ở Tân Bình. Tôi thích phong cách nghệ sĩ của anh và cảm thông với anh về phong cách này. Nhưng bây giờ khi tuổi đã cao, mà vẫn phiệu bạt giữa nhân gian, tôi cũng chẳng biết phải nói sao. Gặp tôi anh cũng hỏi chuyện gia đình, không hề hỏi chuyện sự nghiệp, có lẽ là cái thứ mà anh chẳng mấy quan tâm. Riêng tôi, tôi vẫn mong sao anh có được một mái ấm dù dung dị, nhưng cũng hết sức cần thiết khi mà tuổi trẻ đã dần dần rời xa chúng ta.

Hôm nay vô tình đọc lại bài thơ gọi em cuả Nguyên Sa tôi chợt nghĩ, mình  phải viết một điều gì đó nằm trong một chuỗi bài viết về Once upon a time in Department of Mathematics và qua bài viết này cũng như Nguyễn Công Tâm ngày xưa, tôi muốn nhắn nhủ ai đó rằng:

“Tôi không còn nằm mơ ngồi câu cá bên bờ sông Ngân nước trong vời vợi suốt cả tháng bảy trời mưa và linh hồn tôi chết đuối. Tôi cũng không còn phải âm mưu làm một cuộc cách mạng dài vô hạn để nhuộm màu cờ vũ trụ bằng màu tóc em, còn bao nhiêu đại lộ, công trường tôi không phải hạ hết biển đề tên phố mà viết lên: hỡi người yêu, tôi chờ đợi !”

Sài gòn những ngày tháng tám năm 2014
Once upon a time in Department of Mathematics.

 

 

7 responses to “Gọi em – Nguyên Sa

  1. Chắc Thầy Nguyễn Công Tâm sẽ vui lắm khi được người nơi xa nhớ tới và cả vùng kí ức ngập tràn về những hình ảnh xa xưa….
    Giờ biết được xuất xứ bài viết cảm giác thật rất khác biệt so với phút ban đầu vừa chỉ thấy bài thơ …

  2. Cảm giác ban đầu thật xúc động nhưng lại tan biến ngay khi biết nơi những cảm xúc ấy được gửi về…..

  3. Bài viết này thật sự rất hay cứ ngỡ như một nhà văn thật sự đã viết….những ngôn từ được sử dụng trong bài viết rất chân thật và mang đến cảm giác thật gần gũi cho người đọc.
    Mà hình như chỗ này thiếu một từ thì phải:” mà vẫn phiêu bạt giữa nhân gian, tôi cũng…..biết phải nói sao”.
    Hình như thiếu chữ chẳng hoặc không.
    P.S: Những người bạn thưở thiếu thời của Thầy nếu vô tình đọc được bài viết này chắc là họ xúc động và nhớ lắm….

  4. Có lẽ đây là câu mà em thấy rất tình cảm và thích nhất trong bài viết này “Riêng tôi, tôi vẫn mong sao anh có được một mái ấm dù dung dị, nhưng cũng hết sức cần thiết khi mà tuổi trẻ đã dần dần rời xa chúng ta….”
    Em đọc rất nhiều lần mà vẫn thấy rất xúc cảm khi đọc lại.

  5. Giống như truyện Thiên long bát bộ, ngày xưa Thầy nói thích Kiều Phong chọn một mái ấm an nhàn hơn là phiêu bạt cùng mây trời sông nước….

  6. Đọc bài viết Thầy, chợt thấy hai câu thơ hay quá….
    Em muốn viết hai câu tiếp, Thầy đọc xem được không nhen Thầy….

    Mai sau em có qua cầu
    Cho tôi gửi lại nửa câu ân tình
    Tình này dẫu lắm thương đau
    Mà sao tôi vẫn thiết tha hỡi người….

Bình luận về bài viết này